Trình bày tại tòa, mẹ và vợ của Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, muốn được dỡ lệnh phong tỏa đối với các cuốn sổ tiết kiệm trị giá hơn 400 tỉ đồng.
Ngày 16.5, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên xét xử phúc thẩm "đại án" kit test Việt Á. Ngoài cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và 10 bị cáo khác, một số người liên quan cũng có đơn kháng cáo.
Trong số này có mẹ và vợ của bị cáo Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á).
Theo đó, bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Phan Quốc Việt) kháng cáo đề nghị hủy kê biên 2 sổ tiết kiệm trị giá 20 tỉ đồng đứng tên con chung của họ. Mẹ đẻ bị cáo Việt cũng kháng cáo xin hủy bỏ kê biên 52 sổ hoặc thẻ tiết kiệm đứng tên mình với tổng số 412 tỉ đồng.
Tổng giám đốc Việt Á vay mẹ hàng trăm tỉ đồng?
Khai tại tòa, mẹ bị cáo Phan Quốc Việt cho hay, trong khoảng thời gian 10 năm, từ 2008 - 2018, bà nhiều lần cho con trai vay tiền để làm ăn kinh doanh, tổng số khoảng hơn 400 tỉ đồng. Nguồn tiền để cho con vay, theo bà này, là có được từ việc làm ăn kinh doanh, dành dụm nhiều năm và từ việc vay mượn bạn bè. Bà còn nói "được ông cha cho của hồi môn 1.000 cây vàng".
Tháng 10.2021, Việt 2 lần chuyển cho mẹ mình tổng số 450 tỉ đồng. Mẹ bị cáo dùng một phần trả nợ bạn bè, còn lại mang gửi ngân hàng thành 52 sổ tiết kiệm với tổng trị giá 412 tỉ đồng.
Tại phần xét hỏi hôm qua 15.5, giải thích về nguồn gốc số tiền trong các cuốn sổ tiết kiệm, Phan Quốc Việt cũng khẳng định đây là tiền bị cáo trả nợ mẹ, có được từ các hoạt động của Công ty Việt Á.
Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bạc tóc hầu tòa phúc thẩm đại án Việt Á
Tại tòa hôm nay, Việt tiếp tục xác nhận lời khai của mẹ mình là đúng, nói rằng 2 lần chuyển tiền cho mẹ với tổng số tiền 450 tỉ đồng là để trả nợ.
Về nguồn gốc số tiền này, Việt khai có được từ nhiều nguồn thu khác nhau, trong đó phần lớn từ việc bán kit test.
Hội đồng xét xử đặt vấn đề vì sao vay từ năm 2008 nhưng đến năm 2021 mới trả, Tổng giám đốc Việt Á thanh minh rằng, trước đó chưa có tiền vì "tiền đều nằm hết trong các dự án". Đến năm 2021, khi có nguồn thu từ bán kit test, bị cáo mới có tiền trả. Ngoài ra, tiền còn đến từ việc kinh doanh trang thiết bị y tế, sản phẩm khác của công ty.
Liên quan đến số tiền trên, đại diện viện kiểm sát hỏi khi cho vay, 2 bên có lập hợp đồng có xác nhận của cơ quan chức năng không. Mẹ của Phan Quốc Việt nói vì là mẹ con, "không nghĩ xảy ra việc như ngày hôm nay nên không làm hợp đồng công chứng".
2 con nhỏ đứng tên sổ tiết kiệm 20 tỉ đồng
Giải thích về nội dung kháng cáo của mẹ bị cáo Việt, hội đồng xét xử cho biết, cấp sơ thẩm xác định số tiền Tổng giám đốc Công ty Việt Á có được và chuyển cho mẹ mình có nguồn gốc từ tiền thu lợi bất chính thông qua kinh doanh kit test, vì thế tuyên tiếp tục phong tỏa để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án.
Theo hội đồng xét xử, việc Phan Quốc Việt vay tiền của mẹ nếu có thì đây là quan hệ dân sự khác, còn về bản chất số tiền mà bị cáo có được là do thu lợi bất chính, nên phải thu hồi.
Mẹ của Phan Quốc Việt tiếp tục khẳng định không biết số tiền đó là bất hợp pháp hay không, chỉ biết cho con vay nợ rồi sau đó chuyển tiền để trả. Bà nói không liên quan đến hành vi phạm tội của con trai, nên đề nghị hủy kê biên 52 sổ tiết kiệm, để lấy tiền chữa bệnh cho chồng và trả nợ bạn bè.
Về phía mình, vợ của bị cáo Việt cũng trình bày rằng, 20 tỉ đồng trong 2 sổ tiết kiệm đứng tên các con có được từ việc 2 vợ chồng làm ăn kinh doanh. Tháng 9.2021, Việt chuyển cho vợ số tiền này, mang gửi ngân hàng, mở sổ tiết kiệm đứng tên các con.
Tại tòa, Phan Quốc Việt khẳng định nguồn gốc số tiền trên có được từ các nguồn thu nhập khác của bị cáo, không phải tiền kinh doanh kit test Covid-19.